Mùa này, về xã vùng cao biên giới Phiêng Khoài, huyện Yên Châu tràn ngập sắc trắng tinh khôi của hoa mận, màu xanh của đồi chè và những vườn cây trái. Đời sống của người dân được cải thiện; các tuyến đường trục bản, đường liên bản được đổ bê tông, những ngôi nhà cao tầng khang trang mọc lên ở vùng đất vùng biên giới.
Người dân xã Phiêng Khoài thu hoạch cam.
Phiêng Khoài có tổng diện tích tự nhiên 9.172 ha, với 3.650 hộ, 11.000 nhân khẩu. So với nhiều xã trên địa bàn huyện, Phiêng Khoài có nhiều lợi thế về đất đai, điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển các loại cây ăn quả, đặc biệt là cây mận hậu. Cùng Chủ tịch UBND xã Đặng Văn Cương đến thăm HTX dịch vụ chế biến chè Phiêng Khoài, không khí sản xuất nhộn nhịp, hàng chục xe máy chở chè búp tươi đến bán cho HTX. Ông Trần Tấn Đạt, Giám đốc HTX, cho biết: Cây chè bén rễ trên mảnh đất này từ rất lâu, HTX đang ký hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho 234 hộ, với 160 ha; nhiều hộ có thu nhập cao, từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng/năm. Năm 2021, do dịch bệnh Covid-19, giá chè búp tươi thấp hơn mọi năm, nhưng HTX vẫn đứng ra bao tiêu sản phẩm cho bà con.
Những năm gần đây, cùng với cây chè, người dân trong xã đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích trồng cây ăn quả chất lượng cao. Hiện, Phiêng Khoài có 1.325 ha mận hậu, 57 ha xoài, 5 ha lê, 209 ha nhãn và hàng chục ha cây ăn quả khác; sản lượng năm 2021 đạt hơn 21.000 tấn quả các loại. Đặc biệt, từ những năm 1990, cây mận hậu đã được đưa vào trồng tại đây, cây mận phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, quả to, vị ngọt đậm được người tiêu dùng ưa thích. Từ cây mận hậu, nhiều hộ gia đình trong xã có thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm, có hộ thu hàng tỷ đồng.
Gia đình anh Ngô Thái Hải, bản Hang Mon 2 có 10 ha mận hậu, trong đó 7 ha đã cho thu hoạch. Anh Hải chia sẻ: Gia đình tôi trồng mận từ năm 2008, hiện toàn bộ diện tích đều được áp dụng quy trình VietGAP, mận cho năng suất cao, được thương lái đến thu mua trực tiếp tại vườn, vụ này gia đình ước thu hơn 100 tấn mận, trị giá gần 1 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, xã Phiêng Khoài có hơn 20 km đường biên giới giáp với huyện Xiềng Khọ, tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào), có quốc lộ 6C đi qua, thuận lợi phát triển thương mại, dịch vụ. Xã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, mặt bằng kinh doanh cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân mở rộng đầu tư phát triển dịch vụ. Hiện trên địa bàn xã có gần 300 hộ kinh doanh thương mại, dịch vụ.
Ông Đặng Văn Cương, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Hiện, Phiêng Khoài đã được huyện Yên Châu điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu đô thị mới Phiêng Khoài; khu dân cư trung tâm xã; đầu tư hệ thống đường giao thông từ trung tâm xã Chiềng Khoi đến trung tâm xã Phiêng Khoài và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch. Đây sẽ là những điều kiện thuận lợi để Phiêng Khoài tiếp tục phát huy nội lực, đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội.
Nguyễn Thư