Hiện nay tỉnh Sơn La có hơn 8.000 ha mận, tổng sản lượng quả tươi trung bình mỗi năm gần 50 nghìn tấn. Với những điều kiện thuận lợi trong quá trình chăm sóc, sản xuất, bên cạnh những mặt hàng nông sản như xoài, nhãn thì mận hậu cũng được biết đến là một loại cây ăn quả chủ lực của tỉnh. Năm 2019, 5.000 tấn mận hậu Sơn La lần đầu tiên được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Campuchia. Đây được coi là tín hiệu tốt đối với ngành nông nghiệp tỉnh Sơn La và mở ra kỳ vọng trái mận sẽ vươn xa hơn vào các thị trường khó tính khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu.
Mộc Châu – Sơn La là vùng đất rất phù hợp cho trái mận phát triển
Điều kiện khí hậu tự nhiên của Cao nguyên Mộc Châu rất phù hợp cho cây mận hậu phát triển. Cây mận hậu được đưa vào trồng tại Mộc Châu từ đầu những năm 80 tại tiểu khu Sao Đỏ, thị trấn Nông trường Mộc Châu. Sau 30 năm phát triển, cây mận hậu đã cho hiệu quả kinh tế cao và trở thành cây trồng chủ lực trong sản xuất nông nghiệp ở Mộc Châu. Sản phẩm mận hậu là loại quả sạch, đảm bảo tiêu chuẩn quả an toàn, vùng sản xuất nằm trong quy hoạch vùng sản xuất quả an toàn tỉnh Sơn La.
Hiện diện tích mận hậu cho thu hoạch đạt 8.715 ha, sản lượng mận dự kiến đạt 50.747 tấn. Hàng năm người dân Mộc Châu thu hoạch hàng trăm tấn mận, trung bình mỗi cây mận cho trái khoảng 100kg.
Mận hậu được trồng tập trung tại xã Mường Sang, Phiêng Luông, Tân Lập, Chiềng Sơn, thị trấn Mộc Châu và thị trấn Nông trường Mộc Châu… Mận hậu Mộc Châu nổi tiếng ngon, đỏ mọng, ngọt giòn nhờ khí hậu và thổ nhưỡng ưu đãi. Ngoài ra, nông dân còn sử dụng kỹ thuật chăm bón và tỉa cành khoa học để tăng kích thước quả.
Chất lượng trái mận được đánh giá cao, có đặc trưng riêng về mẫu mã và hương vị. Nhờ chất lượng tốt, quả giòn, thơm và căng mọng, mận hậu Mộc Châu luôn được giá. Giá mận hậu Mộc Châu dao động từ 10.000 đến 60.000 đồng/kg tùy từng thời điểm. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là Hà Nội và một số tỉnh lân cận, giúp nhiều hộ gia đình có mức thu nhập 700 – 800 triệu đồng/năm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 13%.
Ngoài sản phẩm quả tươi, mận hậu còn được chế biến thành nhiều sản phẩm như: Mứt mận, rượu mận, mận sấy dẻo, siro… đáp ứng nhu cầu và thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Phiềng Khoài – thủ phủ mận hậu của huyện Yên Châu tỉnh Sơn La
Cây mận hậu được đưa vào trồng ở xã Phiềng Khoài từ năm 1991, do khí hậu, thổ nhưỡng ở đây phù hợp với cây mận hậu, cùng với việc người dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong chiết, ghép nên cây mận ra nhiều đợt hoa, năng suất và chất lượng sản phẩm rất cao.
Với hơn 1.000 ha cây mận hậu, chiếm gần 60% diện tích cây ăn quả của xã, trong đó 690 ha đã cho thu hoạch, sản lượng ước khoảng 14.000 tấn quả/năm, Phiêng Khoài được coi là “thủ phủ” mận hậu của huyện Yên Châu.
Mận hậu Phiêng Khoài không chỉ ngọt, giòn mà mẫu mã cũng rất bắt mắt. Mận vùng này có màu đỏ sẫm, vị ngọt, độ giòn đặc trưng khắc hẳn với những giống mận của các địa phương khác, lại còn nguyên phấn, nên được khách hàng, nhất là miền xuôi ưa chuộng.
Từ đầu tháng 5, bà con nông dân trong xã bắt đầu thu hoạch mận. Năm nay, sản lượng và năng suất mận có thể giảm từ 40-50% so với vụ trước, do đầu năm lượng mưa không đều, khô hạn kéo dài ảnh hưởng lớn đến việc đậu quả; thêm nữa, trận mưa đá giữa tháng 4 đã làm thiệt hại nhiều diện tích mận chuẩn bị đến kỳ thu hoạch.
Năm nay mận được giá, cao gấp 5-7 lần so với vụ mận năm ngoái. Hiện tại, thương lái đang thu mua với mức giá dao động trong khoảng 12.000 – 40.000 đồng/kg, mận loại 1 vẫn duy trì ở mức 30.000 – 40.000 đồng/kg, loại 2 có giá từ 25.000 – 27.000 đồng/kg, còn loại 3 từ 12.000-20.000 đồng/kg. Với trên 1ha mận, người dân có thể thu về gần 100 triệu đồng, nhiều hộ gia đình có thu nhập 200-500 triệu đồng/năm từ mận hậu.
Để giúp người dân phát triển kinh tế, xã Phiêng Khoài đã hỗ trợ người dân áp dụng một số kỹ thuật mới vào việc trồng, áp dụng các quy trình sản xuất mận theo tiêu chuẩn VietGAP; đồng thời, tuyên truyền đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xây dựng thương hiệu, phối hợp các đơn vị chức năng tăng cường giới thiệu sản phẩm, liên kết tiêu thụ sản phẩm cho người trồng mận. Nhờ vậy, diện tích mận của Phiêng Khoài tăng dần qua các năm; thu nhập của các hộ dân trồng mận trên địa bàn cũng ngày càng tăng.
Có thể thấy, việc chuyển đổi diện tích trước đây trồng các loại cây lương thực, hoa màu kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, nhất là mận hậu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của địa phương, giúp người dân vùng cao biên giới Phiêng Khoài thoát nghèo bền vững.
Ngoài Campuchia, mận hậu Sơn La được kỳ vọng sẽ thâm nhập vào các thị trường khó tính Hàn Quốc, Nhật Bản và châu Âu
Những năm gần đây, với sự nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc nâng cao giá trị và thực hiện hiệu quả khâu kết nối, tiêu thụ, nhiều loại nông sản của tỉnh Sơn La đã có mặt ở thị trường nước ngoài thông qua xuất khẩu chính ngạch.
Ngoài các sản phẩm như nhãn, xoài, na Mai Sơn, năm 2019 tỉnh Sơn La đã có thêm một loại nông sản mới là quả mận được xuất khẩu theo đường chính ngạch sang thị trường Campuchia.
Khác với mọi năm, mận năm nay được đóng gói cẩn thận với mỗi hộp 10kg. Giá bán năm nay cũng cao hơn những năm trước. Người dân rất phấn khởi khi hợp tác xã ở huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La đến cam kết tiêu thụ số lượng lớn quả mận trên địa bàn xã.
Để đáp ứng nhu cầu của việc thu mua mận xuất khẩu, những ngày này các hộ dân tại huyện Yên Châu đang tập trung tất cả nguồn nhân lực để hái mận, chuyển về điểm tập kết. Những lô mận đầu tiên được doanh nghiệp thu mua để xuất khẩu đã tạo ra sự tin tưởng cho người dân.
Hiện nay tỉnh Sơn La có hơn 8.000 ha mận, tổng sản lượng quả tươi trung bình mỗi năm gần 50 nghìn tấn. Với những điều kiện thuận lợi trong quá trình chăm sóc, sản xuất, bên cạnh những mặt hàng nông sản như xoài, nhãn thì mận hậu cũng được biết đến là một loại cây ăn quả chủ lực. Trong vụ thu hoạch mận 2019, đơn vị đứng ra bao tiêu sản phẩm cho người dân là Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Vân Hồ. Theo UBND xã Vân Hồ, sau một thời gian tìm hiểu thị trường, đơn vị đã ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Tập đoàn Uniseed thu mua 5.000 tấn quả mận hậu tươi trên địa bàn tỉnh Sơn La với tổng giá trị lên tới 40 tỷ đồng.
Trong tháng 5, hợp tác xã cùng với đơn vị bao tiêu xuất khẩu hơn 100 tấn sang thị trường Campuchia theo đường chính ngạch. Số mận còn lại sẽ được đơn vị thu mua đưa vào nhà máy để chế biến nước ép và mận sấy dẻo. Tính trung bình, mỗi kg mận hậu sẽ có giá từ 8 – 12 nghìn đồng/kg tùy loại. Qua đó, giúp người nông dân có thu nhập ổn định, không lo rớt giá và thị trường bấp bênh.
Trên cơ sở nắm bắt tình hình thực tế tại Sơn La đó là sản lượng mận hậu hàng năm rất lớn, vì vậy, hợp tác xã đã có định hướng giúp cho bà con nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật từ khâu chăm sóc để đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu. Đồng thời, đơn vị cũng tiến hành ký kết với các doanh nghiệp lớn để thu mua, bao tiêu sản phẩm ổn định cho người dân.
Trong những năm trước, việc hình thành cầu nối tiêu thụ, bình ổn giá cho nông dân luôn là bài toán khó không chỉ của riêng ngành nông nghiệp. Cứ mỗi khi bước vào vụ thu hoạch nông sản thì câu chuyện giá cả lên xuống bấp bênh, hay tình trạng tư thương buôn lái ép giá lại diễn ra.
Do không có nguồn gốc xuất xứ, giá cả thường xuyên thay đổi có lúc lên tới 15 đến 20 nghìn đồng/kg, nhưng có lúc xuống rất thấp. Chính vì vậy, trong năm 2019 khi những lô mận đầu tiên đã được xuất khẩu đi nước ngoài đã mở ra một tín hiệu tích cực cho người trồng mận ở Sơn La.
Hiện nay, sản phẩm mận hậu Mộc Châu đang được trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP với quy trình sản xuất hữu cơ an toàn bền vững, thân thiện với môi trường. Để sản phẩm mận hậu được người tiêu dùng biết đến, huyện Mộc Châu đã xây dựng bộ nhận diện thương hiệu với 17 loại sản phẩm như logo, hộp đựng sản phẩm, các gian hàng… Trong thời gian tới, huyện tiếp tục hỗ trợ người dân sản xuất theo quy trình an toàn, tiến tới việc cấp mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý để hướng tới việc đưa mận hậu ra thị trường ngoài nước.
Theo định hướng của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp Sơn La nỗ lực thực hiện các biện pháp để nâng cao sản lượng, chất lượng đồng thời xây dựng thương hiệu chính thức cho quả mận, giúp cho loại nông sản này có giá cả ổn định hơn. Đồng thời, ngành liên kết chặt chẽ với các tập đoàn kinh tế để sản xuất mận theo quy trình VietGAP, GlobalGAP. Từ đó, tiến hành cấp mã số vùng trồng, tem truy xuất nguồn gốc để xuất khẩu đi các thị trường khó tính khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu.
Nguồn: VITIC tổng hợp